VIỆC LÀM: Nghề nhà hàng, khách sạn tại Úc ( Hospitality)
Nghề nhà hàng, khách sạn đã trở thành 1 nghề không còn quá xa lạ với các bạn sinh viện Úc, 1 nghề không quá khó để kiếm được 1 công việc ổn định với mức lương hợp lý so với các ngành học khác.
Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch ở Úc đã tăng lên 1 cách nhanh chóng trong những năm gần đây. Điều này kéo theo sự đầu tư và doanh thu nhà hàng, khách sạn đang tăng trưởng cao, từ các khách sạn ở vùng trung tâm Sydney, Melbourne cho đến những khách sạn nghỉ dưỡng như ở Gold Coast hoặc Cairns.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu về nhân lực phục vụ trong ngành nhà hàng, khách sạn cũng tăng theo, và là một cơ hội cho những ai có ý định theo học ngành này.
Bạn có thể học Đại học 3 năm hoặc cũng có thể học Diploma về quản lý khách sạn. Chương trình học sẽ đào tạo những kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực nhà hàng, khách sạn như lễ tân, quản lý phòng ở, hội nghị, sự kiện, ẩm thực và đồ uống, cho đến những kiến thức tổng quát về tài chính, kế toán, nhân sự.
Một sinh viên mới tốt nghiệp ngành quản trị nhà hàng khách sạn thường bắt đầu công việc với các vị trí như phục vụ nhà hàng, phục vụ phòng, nhân viên bộ phận Hội nghị Yến tiệc (Banquet).
Những bạn nào có khả năng tiếng Anh tốt hoặc chút ít kinh nghiệm có thể xin làm ở bộ phận Lễ tân (Reservation) vì thường ở bộ phận này đòi hỏi nhân viên phải biết sử dụng hệ thống chương trình của khách sạn.
A/Những thuận lợi khi làm ở nhà hàng – khách sạn
Công việc không cần nhiều kinh nghiệm
Không quá khó để xin được một công việc trong khách sạn vì những vị trí khởi điểm không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, thậm chí bằng cấp cũng không quá quan trọng.
Hầu hết các nhân viên mới sẽ được đào tạo lại vì mỗi khách sạn có hệ thống làm việc khác nhau, sản phẩm dịch vụ cũng như thực đơn nhà hàng cũng khác nhau. Do đó kinh nghiệm hay bằng cấp cũng không quá quan trọng, chỉ cần bạn nhanh nhẹn và chịu khó học hỏi.
Bạn Lan Anh, trước đây từng làm ở bộ phận nhà hàng, quán bar (Food & Beverage) của khách sạn Marriott, cho biết, dù có bằng cấp chuyên ngành, nhưng khoảng thời gian học hỏi được nhiều nhất lại là lúc đi làm (on-the-job training).
Sinh viên mới tốt nghiệp thường làm những công việc như phục vụ nhà hàng, phục vụ phòng, nhân viên bộ phận Hội nghị Yến tiệc (Banquet). Riêng bộ phận Lễ tân (Reservation) đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng tiếng Anh tốt hơn.
Cơ hội trau dồi kiến thức về ẩm thực, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm
Lan Anh nói khi làm công việc này bạn biết thêm được nhiều kiến thức về ẩm thực và rượu, vì khi làm nhân viên phục vụ nhà hàng cần phải biết giải thích về món ăn cho khách, cũng như phải hiểu về các loại rượu uống kèm.
“Mình phải trả lời được trong món ăn đó có thành phần nguyên liệu gì. Khi phục vụ rượu thì phải cho khách xem nhãn hiệu, năm sản xuất, phải biết được loại rượu đó có vị như thế nào, làm từ loại nho nào.”
Còn đối với Thuỳ Dương, người có 5 năm trong ngành nhà hàng khách sạn và đã trải qua các công việc ở bộ phận Hội nghị Yến tiệc và bộ phận Lễ tân.
Công việc ở bộ phận Hội nghị Yến tiệc là tổ chức sự kiện, chuẩn bị công tác hậu cần (logistics) như chuẩn bị, trang trí phòng tiệc, phục vụ ăn uống, cũng như điều phối chương trình.
Công việc này khá thú vị vì tính chất công việc thay đổi mỗi ngày, mỗi sự kiện là một công tác chuẩn bị khác nhau. Ngoài ra, còn được học cách làm việc nhóm, học kỹ năng tổ chức.
Còn ở bộ phận Lễ tân thường cầu trình độ tiếng Anh khá vì công việc chủ yếu là giao tiếp, trả lời thắc mắc từ khách hàng.
“Tuy có ngày phải nhận đến cả trăm cuộc điện thoại nhưng bù lại là cơ hội được gặp gỡ, được trò chuyện với nhiều khách hàng. Được giúp đỡ khách và khi họ cảm ơn thì mình thấy cũng rất vui.”
Giao tiếp, nghe điện thoại là những công việc chủ yếu của nhân viên Lễ tân
Môi trường làm việc chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ đặc biệt
Lan Anh cho biết công việc ở đây giúp tác phong của bạn trở nên chuyên nghiệp hơ do các nhà hàng, khách sạn lớn như những tập đoàn 5 sao thường có những tiêu chuẩn khá khắt khe, như yêu cầu như về đồng phục của nhân viên, phải đi giày da trơn và không quá cao, tóc tai phải gọn gàng trong quá trình phục vụ khách.
Hoặc tiêu chuẩn phục vụ trong nhà hàng, người nhân viên phải hiểu rõ các bước phục vụ một bữa ăn fine-dining, cách sắp xếp một bàn ăn đúng chuẩn.
Thuỳ Dương cho biết làm việc trong khách sạn vui nhất là những ngày cuối năm, mùa Giáng sinh, khi khách sạn tổ chức tiệc bán vé cho khách vào ăn. Thường những ngày này ai cũng vui vẻ, họ chụp ảnh với nhân viên và cho tiền tip rất nhiều.
Ngoài ra nếu làm cho các tập đoàn khách sạn lớn như Starwood hay Accor, các nhân viên sẽ nhận ưu đãi giảm giá 50% tiền phòng và tiền ăn khi ở tại các khách sạn trong cùng hệ thống trên toàn cầu.
B/Nhưng bên cạnh đó cũng có những áp lực
Giờ giấc làm việc thất thường
Khi làm việc ở mảng dịch vụ nghĩa là chấp nhận việc làm với thời khoá biểu thất thường, phải sẵn sàng làm việc ngoài giờ, làm khuya hoặc phải làm cuối tuần, vào những ngày lễ khi những người khác đang được nghỉ.
“Thời điểm bận rộn nhất của khách sạn là những tháng cuối năm mùa nghỉ lễ và thời điểm cuối năm tài chính (tháng 6) các công ty thường tổ chức tiệc.
“Có những ngày bộ phận Banquet phải làm đến 100 tiếng mỗi tuần, nhưng vì đã chấp nhận làm công việc này thì cũng không bận tâm lắm vì không phải tháng nào cũng bận như vậy”, Thuỳ Dương nói.
Giờ giấc làm việc thất thường nhưng vẫn luôn vui vẻ là tiêu chuẩn hàng đầu của những nhân viên nhà hàng - khách sạn
Những tai nạn nghề nghiệp ngoài tầm kiểm soát
Chứng chỉ RSA là chứng chỉ bắt buộc nếu muốn làm việc trong quán bar của nhà hàng, khách sạn. Ở Úc, vấn đề này khá nghiêm ngặt, nếu vi phạm những quy định thì chính người bán sẽ có khả năng bị phạt rất nặng.
Chẳng hạn, không được bán rượu cho trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi), tại trung tâm thành phố sau 12 giờ đêm thì không được bán shot (rượu nguyên chất), không được bán rượu cho những người đã say, v.v
Tuy vậy, trong thực tế vẫn không tránh khỏi những tai nạn ngoài tầm kiểm soát.
“Thường mọi người nghĩ bia gừng (ginger beer) là không có cồn nhưng ở quầy bar chỗ em làm thì lại là thức uống có cồn. Có một người khách gọi món này và em đã bán mà không biết rằng đó là người phụ nữ đang mang thai, và khách đã khiếu nại lên quản lý”, Lan Anh kể về tai nạn mình từng gặp phải.
“Mình phải luôn quan sát và phải kiểm tra ngay nếu có nghi ngờ, chẳng hạn những món ăn có nguyên liệu hay gây dị ứng như cheese hay đậu phộng, phải kiểm tra với khách nếu khách không để ý.”
Yêu cầu về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, những chuẩn mực về dịch vụ quan hệ khách hàng cũng rất nghiêm ngặt, đặc biệt là trong môi trường khách sạn luôn có những khách quốc tế thì sự khác biệt về văn hoá cũng là một khó khăn cho các nhân viên.
Thùy Dương thì kể: “Nhiều khách ăn chay nhưng lại không biết về món ăn, khi gọi món ăn ra và ăn thử thì mới biết đó là thịt, và khách đã khiếu nại. Nên người nhân viên phải luôn để ý để giải thích kịp thời cho khách.”
Mỗi nhân viên phải luôn ý thức được rằng danh tiếng và độ uy tín của một khách sạn phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân, vì mỗi cá nhân sẽ là hình ảnh đại diện, cũng như là người thể hiện chất lượng dịch vụ của khách sạn đó. Do vậy, việc ý thức được trách nhiệm của mình sẽ góp phần không nhỏ vào sự thành công kinh doanh và thương hiệu của khách sạn.
Hãy LIKE fanpage Người Việt Tại Úc để cập nhật thêm thông tin và bài viết mới nhất !
Linda- Theo SBS Vietnamese
Bài viết có thể bạn quan tâm
- VIỆC LÀM: Nghề nhân viên pha chế cafe ( Barista) tại Úc
- VIỆC LÀM: Nghề làm farm tại Úc
- Di dân Việt và nỗi ám ảnh khó kiếm việc làm tại Úc
- "Phản đối sinh viên quốc tế có quyền đi làm khi đi học" Pauline Hanson
- Mức lương tối thiểu theo quy định tại Úc, du học sinh cần biết !
- Việt kiều Úc cày như trâu như ngựa bằng công việc chân tay để mưa sinh. Thực hư ra sao?
- Du học sinh trở về Việt Nam xin việc và những khó khăn thường gặp
- 2 điều chủ tiệm nail cần đặc biệt lưu ý để tránh bị khách hàng kiện
- Tuyệt chiêu giữ thợ của các nhà quản lý shop nail giỏi
- Bí quyết mua tiệm nail, không bao giờ lo thất bại