Những điều cần biết khi thuê nhà tại Úc để tránh rắc rối.
Dù cho đầu mỗi học kỳ, trong tuần lễ thông tin hướng dẫn trường nào cũng nhắc nhở các bạn sinh viên cẩn thận với những cái bẫy khi đi thuê nhà nhưng rồi cũng có những bạn trở thành nạn nhân của các chiêu thức lừa đảo, có khi là cũ rích.
Tuy vậy, cũ với người này, nhưng có thể vẫn rất mới mẻ với người khác, đặc biệt là các bạn sinh viên trong năm đầu tiên ở Úc.
Rất dễ bị lừa khi đi thuê nhà
Một nữ du học sinh tại Sydney kể cho SBS Việt ngữ nghe kinh nghiệm đau lòng (và túi tiền) của cô:
“Khi mới qua Úc, mình thuê một phòng master, ở cùng nhà với chủ, giá 350 đô/ tuần.
“Ở Úc được khoảng hai tháng, mình thấy buồn nên đi mua một con chó con về nuôi cho có bạn nhưng nhà chủ không đồng ý. Họ hẹn cho mình đến cuối tháng phải dọn ra chỗ khác. Vậy là mình phải gửi chó sang nhà một người bạn của mình, rồi bắt đầu tìm nhà khác để thuê.
“Ban đầu, mình cứ nghĩ đơn giản là chỉ cần thuê hẳn một căn nhà nào đó để ở một mình, không ở chung với ai thì sẽ không phiền phức gì. Nhưng sau khoảng 10 ngày mà chưa tìm được nơi nào cho nuôi chó, mình bắt đầu thấy lo.
“Liên lạc với nhiều chủ nhà, họ nói họ không ngại chó, nhưng quy định của nhiều tòa nhà trong khu CBD không cho nuôi chó nên họ không muốn cho mình thuê.
“Sau đó, mình thấy một mẩu quảng cáo về một căn nhà mình khá ưng ý mà giá chỉ có 200 đô/ tuần, liên lạc với chủ nhà qua email thì họ đồng ý cho nuôi chó. Họ bảo tạm thời đang ở Mỹ, kêu mình chuyển 800 đô đặt cọc rồi họ sẽ gửi chìa khóa nhà về cho.
“Mình xem địa chỉ nhà, thấy gần trường học, giá thì quá rẻ so với các căn nhà khác mình trong khu vực city mà mình thấy quảng cáo nên mình chuyển tiền đặt cọc.
“Chuyển tiền xong, nói chuyện với một người quen mới biết mình đã bị lừa. Mình biết là đã mất tiền rồi nhưng vẫn cố gửi tiếp mấy email nữa hối thúc họ gửi chìa khóa về.
“Không ngờ hai vợ chồng chủ nhà giả đó còn muốn lừa thêm tiền, nói là con gái họ đang bị bệnh, cần tiền để chữa trị, kêu mình chuyển trước 1 tháng tiền nhà nữa”.
Câu chuyện này một lần nữa nhắc nhở các bạn du học sinh không bao giờ chuyển tiền đặt cọc trước khi trực tiếp vào xem nhà và gặp mặt chủ nhà.
Một trường hợp khác là người đăng tin rao vặt không phải chủ nhà mà chỉ là một người ở thuê sắp hết hợp đồng và dọn ra ngoài. Như vậy, họ vẫn có chìa khóa để dẫn bạn vào xem nhà, xem phòng dù không phải chủ nhà và không có quyền cho thuê.
Muốn chắc chắn họ có phải là chủ nhà hoặc người thuê nhà chính và share lại hay không, tốt nhất nên đến xem nhà vào lúc có đầy đủ các thành viên trong nhà và trò chuyện với họ.
Nhiều bạn khi đi xem nhà chỉ xem phòng ốc, nội thất, vật dụng mà quên mất một phần rất quan trọng là những người ở cùng nhà với mình. Chưa nói đến việc bị lừa hay không, tìm hiểu kỹ về những bạn ở cùng nhà, như thói quen, sở thích, lịch sinh hoạt (chẳng hạn như có hay tiệc tùng không? Có hút thuốc không…) sẽ giúp bạn tránh được nhiều phiền phức về sau.
Có một số quy định về các du học sinh nhỏ tuổi ở Úc, chẳng hạn như độ tuổi tối đa cho từng lớp học, quy định về người giám hộ, ở nhà homestay (sống cùng với gia đình người bản xứ).
Tham khảo những cách để giữ an toàn cho chính mình trong và ngoài khuôn viên trường học.
Chia sẻ của Catlin Harvey, sinh viên năm 4 trường Sydney University, những kinh nghiệm rất hữu ích giúp các bạn tân sinh viên chuẩn bị tốt hơn cho học kỳ mới.
Hiểu quyền và nghĩa vụ của mình khi thuê nhà
Ngoài việc tìm hiểu về những bạn cùng nhà, dưới đây là một số lưu ý nữa trong việc tìm nhà và thuê nhà. SBS Vietnamese tổng hợp và chia sẻ với các bạn:
- Khi thuê nhà, tốt nhất nên yêu cầu chủ nhà làm hợp đồng thuê nhà, trong đó nêu rõ cách tính bills (đã bao gồm trong giá thuê hay chưa, nếu bao gồm thì bao gồm tất cả hay chỉ có bill nước, internet mà không có điện…), hợp đồng cũng nêu rõ thời gian ở tối thiểu, muốn chuyển ra thì báo trước bao lâu.
- Yêu cầu có bảng mô tả về hiện trạng ngôi nhà hoặc căn phòng lúc bạn nhận nhà, nhận phòng. Dựa vào bản mô tả này, kiểm tra và so sánh với thực tế, ghi chú thật chi tiết về các sai biệt (nếu có), chẳng hạn như có bao nhiêu đinh móc ở trên tường, sàn nhà bị bong tróc ở chỗ nào, các vòi nước có khóa chặt không, các ổ điện có hoạt động bình thường không…
- Nếu được, hãy dành thời gian chụp ảnh lại tất cả những chỗ hỏng hóc này, gửi email báo cho chủ nhà biết và lưu lại cho mình một bản riêng. Điều này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng bị chủ nhà đòi thêm tiền sửa chữa cho những hư hỏng đã có từ trước.
- Hỏi rõ có bao nhiêu người cùng sử dụng một phòng vệ sinh. Nếu được, hãy hỏi lịch sinh hoạt của những người khác. Nếu có 3, 4 người dùng chung nhà vệ sinh và đều phải đi học, đi làm lúc 8 giờ sáng thì có rất nhiều khả năng bạn sẽ gặp rắc rối với chuyện vệ sinh cá nhân và tắm rửa mỗi sáng.
- Nếu bạn chia phòng với một hoặc vài người khác, nên hỏi rõ chủ nhà về số chìa khóa phòng và chìa khóa nhà cho mỗi người. Có một số trường hợp, vì quy định an ninh của tòa nhà, bạn không thể tùy tiện đi cắt thêm chìa khóa để giữ riêng mỗi người một bộ và điều này có thể bất tiện cho bạn.
- Chọn cách đặt tiền cọc, đóng tiền thuê nhà qua tài khoản. Nếu đóng bằng tiền mặt, yêu cầu chủ nhà viết biên nhận cho mình mỗi lần thanh toán.
- Các thỏa thuận với chủ nhà tốt nhất nên được ghi cụ thể, rõ ràng trong hợp đồng thuê nhà, hoặc ít nhất là được lưu lại trong email hoặc tin nhắn điện thoại.
Tìm hiểu thêm chi tiết về thuê nhà với chuyên mục Renting của Fair Trading New South Wales hay Consumer Affairs Victoria.
Bài viết có thể bạn quan tâm
- Bí kíp thuê nhà tại Úc không phải ai cũng biết?
- Thuê nhà ở Úc hay mua nhà để ở tốt hơn?
- Những lời khuyên hữu ích cho người mua nhà ở Úc lần đầu
- Thay đổi về luật xây dựng, nâng cấp nhà cửa tại bang Victoria
- Số lượng nhà cho thuê mới ở Australia tăng khi lãi suất giảm
- Người Việt đổ xô đầu tư bất động sản ở Úc
- Người Nước Ngoài Có Được Mua Nhà Ở Úc?